Hạ tầng công nghiệp Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ nhằm đón cơ hội lớn từ sự dịch chuyển dòng vốn FDI và cơ sở sản xuất từ Trung Quốc.
Dòng dịch chuyển mạnh từ Trung Quốc
Những ngày đầu tháng 4.2019, đại diện của một công ty sản xuất lớn từ Trung Quốc rốt ráo đi tìm một nhà máy để phục vụ cho kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam. “Chúng tôi tìm kiếm một nhà máy đủ lớn và hạ tầng thuận tiện để sản xuất động cơ tàu thủy, ô tô phục vụ thị trường Việt Nam và xuất khẩu”, đại diện công ty cho biết.
Hiện hai nhà cung cấp của TTI – tập đoàn chuyên về dụng cụ và thiết bị năng lượng ngoài trời, chăm sóc sàn nhà và thiết bị gia dụng từ Mỹ, đã thuê nhà xưởng tại khu công nghiệp Mỹ Phước 3 từ Công ty cổ phần phát triển công nghiệp BW. TTI đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất pin mặt trời và trung tâm nghiên cứu và phát triển ở miền Nam. Điều này kéo theo làn sóng chuyển dịch nhà máy đến Việt Nam từ các nhà cung cấp của họ.
“Các nhà đầu tư quốc tế như TTI đang tạo ra động lực phát triển cho thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam”, ông Michael Chan, Giám đốc Tiếp thị truyền thông & Dịch vụ khách hàng Công ty BW – Liên doanh của quỹ đầu tư toàn cầu Warburg Pincus và Tổng Công ty Becamex IDC nhận xét.
Được thành lập từ tháng 5/2018, công ty BW đã và đang đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các kho vận hậu cần hiện đại, cũng như các nhà máy xây sẵn và xây theo yêu cầu.
Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu dừng lại khiến làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc tiếp tục tăng lên.
Theo ông Michael Chan, “Xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản công nghiệp như chúng tôi. Chúng tôi hiện đang sở hữu 230 ha đất dự án trong năm 2018 và sẽ mở rộng thêm 170 ha quỹ đất vào năm 2019 để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng từ khách hàng”.
Nhà xưởng xây sẵn lên ngôi
Số lượng doanh nghiệp FDI ở Việt Nam ngày càng tăng kéo theo đó là nhu cầu về những nhà xưởng đặc thù riêng biệt để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, công nghệ và tối đa hóa công năng sử dụng. Vì vậy, xu hướng cho thuê nhà xưởng xây sẵn (ready-built), xây theo yêu cầu của khách hàng (built-to-suit) đã được phát triển rộng rãi ở các cụm khu công nghiệp chính. Trong khi nhà xưởng xây sẵn có diện tích linh hoạt và đáp ứng nhu cầu đi vào sản xuất nhanh chóng cho các doanh nghiệp, thì nhà xưởng xây theo yêu cầu được “may đo” theo mô hình kinh doanh, tiến độ cũng như chi phí mà khách hàng đề ra, đồng thời đảm bảo sự hài hòa về thẩm mỹ và công năng.
Theo ông Alexander Christopher Falter, giám đốc điều hành Ecco Vietnam: “Kế hoạch của chúng tôi khi bước chân vào thị trường Việt Nam là xây dựng nhà máy sản xuất giầy có quy mô lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên Ecco là một tập đoàn thận trọng, chúng tôi muốn thuê nhà xưởng xây sẵn trong 5 năm đầu tiên trước khi mua đất.
Ecco đã đi thăm quan rất nhiều khu công nghiệp ở miền Nam Việt Nam trước khi đến với khu Công Nghiệp Bầu Bàng của BW nơi có nhà máy xây sẵn mới, với thiết kế đẹp & hiện đại, phù hợp với nhu cầu của Ecco. Đặc biệt, với sự hỗ trợ từ chủ đầu tư, chúng tôi chỉ mất 4 tháng kể từ khi bắt đầu có giấy phép kinh doanh cho đến khi thực tế đi vào sản xuất”.
Thuê nhà xưởng từ các chủ đầu tư uy tín đang được xem là giải pháp tối ưu nhất giúp giải quyết những yêu cầu đặc thù cho các doanh nghiệp cả trong lẫn ngoài nước.
“BW phát triển những nhà xưởng xây sẵn và nhà xưởng xây theo yêu cầu với diện tích linh hoạt từ 500m2 trở lên nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư đang muốn tìm kiếm những sản phẩm thuê chất lượng. Với 9 dự án ở 5 thành phố trọng điểm, chúng tôi mong muốn sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư tìm ra địa điểm thích hợp nhất cho việc phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam”, ông Michael Chan nhấn mạnh.
Hiện BW đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước như: Kaidi, Ecco, Condor, Watanabe Rubber… Kế hoạch của chủ đầu tư này là sẽ xây dựng nền tảng bất động sản công nghiệp và kho vận hậu cần đáp ứng nhu cầu tăng cao từ các tập đoàn đa quốc gia, các bên cung cấp dịch vụ logistic, và các công ty thương mại điện tử.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế